Hà Tiên, một cõi biên thùy

Lượt xem: 3534

Dẫu đến đây chỉ một lần, lữ khách sẽ nặng lòng với cảnh với tình, bởi lịch sử và thi ca trong từng câu chuyện, thi vị hóa một vùng đất đa dạng địa hình, tập trung cả biển, đảo, núi non, sông ngòi, đồng ruộng, vườn cây… Và những mặt hồ soi gương khi trăng lên đã vào truyện vào thơ.

Tóm tắt nội dung

    Bắt đầu từ những cái tên: Hà Tiên, Km Dự Lan Đào, Bình San Điệp Thúy, Đông Hồ Ấn Nguyệt, Thạch Động Thôn Vân, Phù Đổng Cổ Tự như trong tiểu thuyết là điều có nguyên do, đủ nói lên cả hình ảnh, màu sắc, và những nhét thơ mộng của những địa danh.

    Nếu có thời gian, bạn hãy chọn đi bằng tàu đò từ Châu Đốc, An Giang. Theo dòng kênh Vĩnh Tế, nhớ thuở cha ông đi mở cõi, lập điền, đào kênh thoát lũ ra Biển Đông vào đầu thế kỷ 19 ở biên giới Tây Nam này. Thuyền sẽ đưa ta qua những cánh đồng mùa vàng của vựa lúa Long Xuyên, có bóng cây thốt nốt vươn cao, dãy Thất Sơn hùng vĩ, và những miệt vườn hai bờ hoa trái trù phú của miền Tây Nam Bộ. Con kênh dài gần 90 km thẳng tới sông Giang Thành, đổ vào Đông Hồ rồi ra vịnh Thái Lan.

    Nếu chạy bằng xe, Hà Tiên sẽ đón ta bằng cây cầu vươn trước biển, những con thuyền nhấp nhô trên sóng, trước hòn đảo Kim Dự Lan Đào – với nghĩa là đảo vàng chắn sóng. Hòn đảo nhỏ nay đã nối với đất liền, ở vị trí tiền đồn trấn giữ trước biển khơi. Những khách sạn, resort trên vị trí này có tầm nhìn tuyệt đẹp, một bên mở ra biển và một bên là thị trấn Hà Tiên với Đông Hồ và núi Tô Châu.

    Thị xã Hà Tiên không lớn, hơn tất cả các thị tứ nơi khác bởi vẻ em đềm dung dị với những khu nhà ẩn sau vườn, ven theo chân núi, hay trước mặt hồ, chạy bên sông và những bến thuyền nơi cửa biển, dập dìu thuyền cá, thuyền du lịch vào ra…

    Ai về Hà Tiên cũng thích ngồi quán cà phê ngay trên mặt hồ, từ dây, trong ráng chiều buông, dập dờn tiếng sóng, nghe chuyện xưa cũ thực hư, mông lung mơ màng về thuở hồng hoang, nơi bến sông Giang Thành – tiên nữ thường giáng xuống từ trời, nên ta mới gọi chốn này là Hà Tiên.

    Cũng trên con đường trước Đông Hồ, có căn nhà nhỏ của hai cố văn nhân thi sỹ với bút danh Đông Hồ và Mộng Tuyết – những cây bút cuối cùng của thời kỳ văn học lãng mạn thế kỷ 19 nối sang thế kỷ 20. Đó là những văn nhân gần gũi nhất với thi đàn Chiêu Anh Các, với những tác phẩm để lại, đưa chúng ta hướng về văn hiến Hà Tiên từ khởi thủy đầu thế kỷ 18.

    Nơi ngọn núi lớp lớp màu xanh cây lá, nên người ta gọi là Bình San Điệp Thủy. Phía trước có đền thờ Mạc Cửu và còn là Mạc Thiên Tích, những người có công lớn trong việc xây dựng, bảo vệ, mở mang bờ cõi, phát triển kinh tế thương mại nhờ vào cửa biển, đề cao việc học và trân trọng văn hóa trên mảnh đất này. Thắp nén tâm nhang trong đền, và trên khu lăng mộ của dòng họ Mạc, trong khói hương giữa trời đất phong quang, ta trở về với nguồn cội xa xưa của lịch sử, một dáng hào hùng mảnh đất nơi đầu sóng ngọn gió của đất nước.

    Những dẫu ấn sử thi và văn hiến, hiện hữu vô hình trong những gì không thể gọi tên, đặt tên cụ thể, còn mãi qua thời gian mà ta cảm nhận được khi đến đây, qua tìm hiểu những câu chuyện xưa gắn với từng di tích lịch sử và văn hóa của Hà Tiên.

    Dẫu hôm nay, hồ Bán Nguyệt nơi Phù Dung Cổ Tự được xây lại khang trang, nhưng dường như không đúng với vị trí xưa, và cũng không còn nét lãng mạn cùng loài sen trắng như Mạc Thiên Tích dành cho nàng Ái Cơ, người đã dứt lụy đời ẩn mình nơi cửa Phật. Thì ta vẫn bồi hồi nghe chuyện ấy, và men theo tiếng mõ niệm vang lên từ gác chuông phía sau chùa, mà không khỏi tiếc nuối mối tình của anh hùng và thuyền quyên, nhiều phần là thực, hơn là truyền thuyết dân gian.

    Rời xa thị xã, ta đi về hướng biển tìm về những phong cảnh đã có tiếng có tên, có bãi Dương cát trắng phủ dài nằm giữa núi và biển rất đỗi bình yên, rồi ta qua cửa biển Ba Hòn, tàu đánh cá tấp nập vào ra, chợ hải sản bên sông nhộn nhịp bán buôn. Đi qua chùa Hang, bức tranh vịnh biển Hòn Chông như một phần hình ảnh của Hạ Long trên màu xanh của biển. Những chuyến du ngoạn bằng thuyền trên vịnh ghé thăm những đảo đá khác nhau không thể thiếu trong một chuyến về với Hà Tiên.

    Mũi Nai là một eo biển có bãi cát thơ mộng và những hàng dừa xanh mướt mải, dành riêng cho du lịch nghỉ dưỡng. Du khách đến đây thả hồn trước gió, nô đùa bơi cùng sóng biển, và thụ hưởng các món ngon của đặc sản nơi này.

    Xuống biển rồi lên núi, dãy núi Đá Dựng còn mang trầm tích của biển cả từ ngàn vạn năm trước, với những hang động lên xuống kỳ thú cho du lịch khám phá và mạo hiểm. Đứng từ trên cao, ta có thể trải tầm mắt xuống đồng ruộng mênh mông xung quanh. Thạch Động nổi tiếng xưa nay, mây vờn của hang, truyền thuyết Thạch Sanh có từ đây.

    Sau những chuyến đi quanh như thế với chuyện kể, với hình ảnh và rất nhiều trải nghiệm khác nhau, ta lại về với những chiều buông trước Đông Hồ, nhìn sang Tô Châu, mái ngói đỏ Tịnh xá Ngọc Tiên, và của nhiều ngôi chùa nữa – trên lưng chừng núi giữa màu xanh cây lá. Núi thả bóng xuống mặt hồ tĩnh lặng. Rất nên qua cầu lên núi, để nhìn ngắm toàn cảnh, bạn sẽ không khỏi choáng ngợp với hình ảnh một thị xã Hà Tiên duyên dáng, trắng sáng những ngôi nhà mới, một bán đảo tinh khôi, trù phú nằm giữa mây và nước… Đâu là cuối của mặt nước Đông Hồ, đâu là bắt đầu biển cả, rõ ràng bên phải bên trái mà ta cứ lẫn lộn như mơ…

    Ta sẽ chọn đến Hà Tiên vào một mùa trăng, để được cảm mặt gương Đông Hồ như những thi nhân nah hào một thuở trong thi đàn Chiêu Anh các, tao đàn thứ hai của nước nhà, để lại những hình ảnh của mảnh đất này bằng thơ là Hà Tiên Thập Vịnh, còn đến hôm nay. Có người Hà Tiên rất trẻ cũng viết về quê mình:

    Nắng nhạt Bình San, sương mờ Thạch Đông

    Mây vượt Tô Châu, giăng trắng Đông Hồ…

    Đó là bức tranh sơ phác vài nét về Hà Tiên còn sau đó là những câu chuyện, có tình yê và thất vọng, có những chiến công và những lời thơ của người xưa…

    Theo 24h